Bếp Hoàng Cương - Since 1995

0936.025.265 -  24/7

LÀM SAO GIÚP CON TỰ GIÁC HỌC Ở NHÀ?

Đăng bởi Phạm Thị Nhung

Xem nhanh

    Đặt vào hoàn cảnh các gia đình Việt Nam, mình nhận thấy mọi người thường nhầm lẫn giữa thái độ tự giác học và tự học. Đây là hai khái niệm khác nhau, và thái độ tự giác học mới chỉ là bước khởi đầu của khả năng tự học. Trong bài này, mình chỉ xin tập trung vào THÁI ĐỘ TỰ GIÁC HỌC của con em chúng ta. 

    Trước tiên, ta cần xem xét vào thói quen sinh hoạt gia đình mình và cần cho vào nề nếp, dĩ nhiên tương đối thôi chứ không cần phải đúng giờ 100%. Chúng ta đều mong con cái của mình tuân thủ theo nội quy nhà trường nhưng ở nhà lại có lối sống sinh hoạt lung tung cả, trẻ sẽ không thể hình thành được kĩ năng đâu ạ. Nhà mình cần có sự đều đặn, sau khi đi học về làm những gì, bắt đầu mấy giờ là phải ngồi vào bàn học rồi, tới giờ đó là phải đi ngủ rồi. Nếu sinh hoạt gia đình chưa vào nề nếp thì nên điều chỉnh dần dần, cố gắng sắp xếp cho trẻ có giờ ăn và học và đi ngủ cố định vào buổi tối. Cuối tuần thì có thể thoải mái, cha mẹ con cái chơi thư giãn sao cũng được, nhưng những ngày trong tuần thì phải cố định. 

    Các mẹ cần luyện cho bé nhà mình thói quen ngồi vào bàn học mỗi tối.

    Bé từ 3 tới 6 tuổi: Ở độ tuổi này, các bé chưa bị áp lực phải hoàn thành bài ở trường nên rất dễ rèn luyện. Các mẹ cần luyện cho bé nhà mình thói quen ngồi vào bàn học mỗi tối, dù 15- 20 phút thôi cũng là đủ. Trong thời gian ngồi đấy, các mẹ cho bé tự hoạt động vẽ tranh, xem sách, tô màu, tô chữ, chơi trò chơi tìm hình,... các hoạt động cần liên quan tới dùng kĩ năng tay để viết. Và như đã nói ở trên, giờ ngồi vào học cần cố định, không nên bị xáo trộn. Khi trẻ ngồi vẽ, chính các mẹ cũng nên ngồi đọc một cái gì đó, tốt nhất là báo/ sách ( không phải điện thoại), vừa ngồi quan sát trẻ vừa cho trẻ thấy ta có tinh thần đọc sách. Nếu trẻ hay í ới hỏi, chúng ta không trả lời mà nên đặt đồng hồ, sau 5 phút con mới được hỏi, rồi tăng lên 6 phút, 7 phút cho tới 20 phút. 

    Bé học  từ lớp 1 tới lớp 5: Nếu bé đã hình thành được thái độ tự giác học từ hồi nhỏ thì giờ rất nhàn cho bố mẹ uốn nắn bé ở giai đoạn này. Vì bé đã có thói quen biết tự động tới giờ phải ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý đối với trường hợp các em làm bài rất chậm hoặc là hỏi quá nhiều.  

    Trong trường hợp bé nhà bạn HỎI QUÁ NHIỀU: Những em này có tâm lý ỷ lại cha mẹ, không chịu suy nghĩ. Mình cần tập lại thói quen cho trẻ bằng cách như sau: 

    Bước 1: Tới giờ học, hỏi con: “Con hôm nay phải làm những bài gì?” Cho trẻ trình bày, rồi viết thành danh sách việc phải làm cho bé thực hiện theo. Như vậy cũng giúp cho bé hình thành thói quen thực hiện việc theo kế hoạch rõ ràng. 

    Bước 2: Cha mẹ cho con đọc đề các câu Toán, hỏi trong 6 câu này con không biết làm câu nào, đánh dấu vào. Sau đó chuyển qua tiếng Việt và tiếng Anh, hỏi con xem toàn bộ không biết làm câu nào, đánh dấu vào. 

    Bước 3: Cho trẻ tập trung ngồi làm những bài đã biết làm. Đặt đồng hồ 20 phút, nói trong 20 phút này con cố gắng làm nhanh hết sức xem được bao nhiêu câu. Sau đó cho trẻ nghỉ 5 phút, yêu cầu trẻ phải đứng dậy ra khỏi bàn, hoặc giơ 2 tay cao lên hít thở sâu để đổi tâm trạng, nhảy nhót, mở nhạc,v.v. Sau đó lại tiếp tục đặt đồng hồ 20 phút và lại tiếp tục. Lý do là não của trẻ chỉ có thể tập trung và hoạt động tốt nhất trong thời gian đó mà thôi. Mình cho trẻ ngồi lâu thì năng suất giảm, mình cần nạp lại năng lượng cho não. 

    Bước 4: Trả lời câu hỏi chưa biết làm: Cha mẹ cần yêu cầu con đọc đề bài nhiều lần, hỏi cô giáo trên lớp giảng thế nào, con có nhớ không? Nếu trẻ nói không nhớ thì hãy nói vậy từ sau con phải ráng tập trung nghe cô giáo giảng, nếu không hiểu thì phải hỏi cô nhé. Cha mẹ giúp con lần này thôi nhé. Và hãy hỏi tại sao thật nhiều để trẻ tự tìm ra câu trả lời. 

    Mới đầu khi mình giảng thì mình giảng từng câu một, sau đó khi quen rồi cần giải thích 2 câu, rồi 3 câu 1 lần để tập trí nhớ cho trẻ. Mình hạn chế giảng bài cho trẻ: Cha mẹ không nên đóng vai trò là người cho con cá. 

    Nếu con KHÔNG MUỐN LÀM BÀI: Chúng ta cần tìm hiểu tại sao trẻ không muốn làm? Bài khó quá, bài nhiều quá,  trẻ lười không muốn học hay vì lý do gì ?

    Bước 1: Cần tập cho trẻ vào nề nếp, mỗi ngày 30 phút trước đã. Ta phải chấp nhận là việc học của trẻ sẽ đi xuống trong thời gian ngắn. 

    Bước 2: Cho trẻ lựa chọn, mình hiểu bé thích hoạt động gì, cho trẻ chọn, thay vì phải làm 5 bài, ta nói cho con làm 3 bài thôi rồi sau đó được chơi, hoặc không được chơi gì cả mà ngồi đó làm đủ 5 bài mới thôi. Cho trẻ thấy ta tha thứ và giảm nhiệm vụ xuống cho trẻ và không nên ép, vì có ép cũng không thay đổi được tình hình. Và bạn hãy giữ lời hứa thực hiện với bé nhé. 

    Cha mẹ làm gì khi trẻ chưa có thói quen tự học trên. Chúng ta cũng ngồi gần và đọc cái gì đó khi con đang ngồi học. Khi trẻ có thói quen rồi thì ta nên làm việc của ta, tránh ngồi gần, nhưng không được mở tivi hay xem điện thoại.  Cái này sẽ có lợi khi con lên lớp lớn hơn như cấp 2, cấp 3. Ta dạy trẻ tự giác học bằng hành động chứ không phải là lời nói suông. 

    Chúng ta cũng ngồi gần và đọc cái gì đó khi con đang ngồi học.

    Các em từ lớp 6 tới lớp 12: Nếu các em không chịu học, thì có cách nào để luyện không? Xin thưa là có nhưng không thể áp dụng những cách trên ( nếu các em vẫn còn nghe lời thì có thể áp dụng). Khi các em lớn rồi, có nhận thức rồi thì ta chỉ có thể tìm hiểu suy nghĩ các em, từ đó định hướng suy nghĩ để các em hiểu được lợi ích của việc học và tạo động lực cho các em. Vì các em lớn rồi, mình có muốn ép các em cũng không làm. Đó là lý do tại sao việc rèn kĩ năng từ 2 tới 12 tuổi lại quan trọng như vậy.  

    Mình xin khuyên các bậc cha mẹ là bài viết của mình hay của giáo sư chuyên gia giáo dục nào đó, hay từ những sách dạy của các bà mẹ Nhật, mẹ Mỹ gì cũng chỉ là cơ sở để cho các cha mẹ tham khảo và tìm kiếm phương pháp thích hợp nhất với con của bạn. Các mẹ nên đọc và chọn lọc những phương pháp phù hợp với con của mình, tìm ra cách phù hợp với hoàn cảnh nhà mình và tính tình của con mình. Đó không phải là các phương pháp đó sai hay không đúng, mà đó là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, con của bạn là một cá thể độc lập, có tính cách và sở thích không thể giống hoàn toàn với những bé khác. Do đó, chỉ có cha mẹ là các bạn mới hiểu bản thân mình và con mình thôi ạ. 

    >> Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm dạy bé ngôn ngữ và kỹ năng

    Tags :

    ĐĂNG KÝ NHẬN DỊCH VỤ

    Cam kết mọi thông tin của bạn sẽ được bảo mật

    Sản phẩm liên quan

    Sản phẩm bán chạy

    X
    Bếp Hoàng Cương - Since 1995
    Chào mừng
    Gửi
    Đóng
    Liên hệ với chúng tôi !