Hiện nay, thời đại đổi thay và ngày càng phát triển hơn, con người sống xứng đáng với năng lực và công sức mình bỏ ra. Dù là gái hay trai cũng phải “tay làm, hàm nhai”, mấy ai mà “ngồi mát được ăn bát vàng”.
Ấy vậy mà, hôm qua tôi chứng kiến một tình cảnh khiến tôi cứ suy nghĩ mãi, để tôi kể cho các bạn nghe nhé!
Tôi có hẹn bạn uống trà chiều tại một nhà hàng view khá đẹp, thích hợp để thả lỏng sau một ngày làm việc căng thẳng, cũng khá yên tĩnh để chị em ngồi tâm sự, thủ thỉ, khiến tâm trạng của tôi rất thoải mái.
Nhưng, lúc bước vào toilet của nhà hàng, tôi bỗng nghe được giọng một người con gái, có vẻ là rất trẻ đang nói chuyện điện thoại với ai đó ở đầu dây bên kia.
- "Còn 2 tháng nữa là đến Tết rồi, mẹ bảo con phải làm sao bây giờ?”
- “Con không xoay xở kịp được, con vừa đưa cho mẹ 10 triệu tháng trước rồi”
- “Giờ lương con có 5 triệu, mà Tết con cũng phải lo bao nhiêu thứ. Lấy đâu ra 10 triệu nữa gửi về cho mẹ”.
- “Mẹ bảo con tiêu hoang? Lương con cũng đủ để trang trải trên Hà Nội này thôi. Con đã cố gắng tích góp gửi tiền về cho mẹ rồi”.
- “Nó là con trai, sức dài vai rộng, cũng chuẩn bị ra trường rồi, mẹ bảo nó tự đi làm kiếm thêm đi, chứ con cũng chỉ lo cho nó được như thế thôi”.
Vừa lúc đi ra rửa tay, cô bé cũng bước từ bên trong ra, đúng là cô gái này còn rất trẻ, nhìn mới hơn 20 tuổi, đôi mắt đỏ hoe lên. Nhìn thấy tôi, cô gái cũng không quan tâm, cứ tiếp tục nghe điện thoại. Thông qua gương, tôi thấy dòng nước mắt lăn dài trên má cô gái kia. Giọng cô gái nói cũng rất chậm, vì phải kìm nén không cho người bên kia ống nghe biết mình đang khóc.
- "Vâng thôi mẹ cho con từ giờ đến Tết, để con xin ứng lương với tăng ca làm cả Tết xem có được không, chứ năm ngoái thưởng cũng có 2 triệu thôi."
>>Xem thêm: Hạnh phúc gia đình| Mỗi người đều có thể được hạnh phúc
Cũng không biết vì sao, kể cả lúc cô gái ấy nghe xong điện thoại và đi ra khỏi phòng vệ sinh. Tôi vẫn đứng như trời trồng, nhìn chằm chằm vào trong gương một lúc lâu.
Từng chút ký ức tuổi trẻ lại ùa về trong tôi. Nhớ lúc đó cũng mới 20 tuổi, tôi ra ngoài xã hội phải chật vật, kiếm từng đồng tiền là như thế nào. Sự mộng mơ, hường phấn tuổi đôi mươi của tôi đã vỡ vụn ra sao. Nhiều lúc đi làm mệt mỏi, chịu tủi, chịu nhục cũng cố mà nuốt vào bên trong, về phòng trọ đối mặt với bốn bức tường lạnh băng, không người tâm sự. Nhưng tôi cũng không dám gọi điện về nhà để kể với bố mẹ, tôi không dám cho họ biết, mình đang khổ sở như thế nào. Mỗi lần mẹ gọi điện hỏi han, tôi cũng đã từng phải cố nén khóc để nói chuyện như thế.
Hóa ra, tôi nhìn thấy hình bóng của mình trong gương, từ trên người cô gái đó. Tôi hiểu cảm xúc của cô gái đó hiện giờ, phải chật vật mưu sinh ra sao ở nơi đất khách quê người này, vì chính tôi cũng đã từng trải qua như vậy. Nhưng tôi may mắn hơn cô gái đó, bố mẹ tôi chưa bao giờ thúc giục tôi phải gửi tiền về cho họ cả, tôi cũng không cần phải nuôi một người em đang ăn học.
Tôi cũng thương cô gái ấy. Có lẽ trong cuộc sống này, cũng đang có rất nhiều cô gái khác đang xảy ra tình trạng tương tự.
Tôi hiểu những áp lực mà cô và rất nhiều cô gái trẻ khác đang phải chịu đựng. Tất nhiên mỗi hoàn cảnh gia đình 1 khác. Áp lực mỗi người phải chịu cũng có khác nhau. Nhưng nhiều khi áp lực do công việc và xã hội mang đến chả là gì so với áp lực của chính gia đình mình. Không thể lý giải, không thể cãi lại, không thể từ chối, chỉ có thể chịu uất ức, đến tiếng khóc cũng không dám cất lên.
Nhưng tôi cũng hiểu, không có áp lực không thành kim cương, con người cũng dùng chung nguyên lý như vậy thôi. Nếu bạn không trải qua những khó khăn, gian khổ, thì sao bạn hái được quả chín trái ngọt được.
Nếu như vào cái lúc tôi nhìn chằm chằm mình trong gương ngày trước mà chảy nước mắt, mẹ tôi nói: Thôi con ạ, nếu ở ngoài khổ quá thì về nhà mẹ nuôi. Để mẹ nhờ người xin cho vào một chân trong nhà nước cho nhàn hạ, ổn định rồi lấy một người chồng để yên ổn cuộc sống gia đình. Nếu tôi về thật, tôi đã không có ngày hôm nay.
Không chỉ là câu chuyện kiếm được nhiều tiền hay kiếm được ít tiền. Nó còn là những bài học mà cha mẹ hay thầy cô của chúng ta không dạy được, mà chính là trường đời tát cho ta một cái, để ta biết đau mà rút được kinh nghiệm. Cứ thế, trường đời vả ta “không trượt phát nào”, ta cũng rút được ngày càng nhiều kinh nghiệm hơn. Đến một lúc nào đó, cảm xúc chai lì, ngã mãi không cảm thấy đau, khóc mãi không còn nước mắt, nhìn mọi thứ với một cái đầu lạnh, hành động với suy nghĩ khôn ngoan, lúc đó bạn đã trưởng thành trong trường đời rồi đó.
Chỉ có là, nếu áp lực từ phía gia đình quá lớn, tuy rằng sẽ khiến người ta buộc phải mạnh mẽ và trưởng thành rất nhanh, nhưng sẽ tạo ra những vết thương tình cảm khó mà lành được. Một người con gái, dù bên ngoài có mạnh mẽ đến đâu, bên trong vẫn có sự mềm mại dễ bị tổn thương và khao khát được yêu thương, được có một chỗ dựa vững chắc, dù đó chỉ là về mặt tinh thần cũng vô cùng quan trọng.
>>Xem thêm: Bạn phải biết nhìn thẳng vào sự thật| Hạnh phúc gia đình tâm sự
Tình cảm với gia đình, cũng không phải là không thể thay đổi, có thể buộc phải tận hiếu, nhưng không thể tự ép mình tận thương!
Cho nên giờ làm mẹ, biết rằng có thể nhẫn tâm đẩy con ra ngoài đường tự bươn chải sẽ tốt cho chúng nó hơn là bao bọc nuông chiều. Nhưng người làm mẹ, cũng cần phải biết đứng về cùng một phía với con trên đường đời, không thể quay lưng, cũng không thể đòi hỏi những thứ vượt ngoài năng lực của chúng!
Xã hội chèn ép, có thể sảng khoái nhảy lên chửi đánh nhau một trận, có thể đập bàn bỏ việc nếu oan ức. Nhưng lại chỉ có thể nhìn chằm chằm chính mình trong gương chảy nước mắt trước những lời nói vô tình của gia đình!
Do đó, là bố mẹ, có thể động viên con bằng những lời nói yêu thương, đầy khích lệ. Cũng có thể làm tổn thương con, bằng những lời nói vô tình, vô tâm.